TSAiTfzpTfr9Tpr9GfMlGUA7GY==

Làng cổ Đường Lâm sao trai làng, gái làng lại bỏ đi?

VnewsTravel - Một Hội An đã từng hiu hắt như Đường Lâm. Nhưng Hội An ấy đã sống lại là chính nó khi người dân Hội An hưởng lợi từ chính nó nhờ phát triển du lịch. Vậy tại sao không phát triển du lịch ở Đường Lâm?


1.Tôi nhớ như in một đêm trăng, không hiểu con đom đóm nào dẫn đường đã đưa đôi chân tôi đến chiếc giếng làng xây bằng đá tổ ong ở chân đồi bên lũy tre.

Tôi nảy ra ý nghĩ, dội mấy gầu nước giếng có ánh trăng cho giống trong một trang sách nào đó tôi đã đọc. Từ lưng đồi xuống giếng, tôi cởi hết áo quần, khi gần đến giếng, tôi bất ngờ thấy hơn chục thôn nữ cũng như tôi, không áo quần, đang tắm bên giếng. Tôi sững lại. Và điều ngạc nhiên, chính các thôn nữ kia cũng sững lại. Thế rồi tôi bỏ chạy mà không hiểu vì sao mình bỏ chạy.

Cái khoảnh khắc kỳ diệu ấy vẫn còn mãi trong tôi. Và nó còn mãi mãi khi tôi lớn lên, khoác ba lô vào Trường Sơn, tôi hiểu ra rằng, bao trai trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục đi về phía có chiến tranh, còn lại ở cái làng quê như Đường Lâm, Sơn Tây, như bao làng quê khác toàn đàn bà, con gái. Sự hiện diện không quần áo của một cậu trai 13 tuổi đã trở nên một thứ ánh sáng kỳ lạ… mà những người đàn bà kia mơ ước, đợi chờ.


Một lần từ Hà Nội đến thăm tôi, cha tôi dắt tay tôi đi trên những con đường làng rợp bóng cây cùng những ngôi nhà cổ làm từ đá ong, cha tôi bảo: “Đây là nơi sinh ra hai ông vua, đó là Phùng Hưng và Ngô Quyền”.
Cha tôi đã dẫn tôi đến bên mộ Ngô Quyền, nằm ở rìa thôn Cam Lâm nhìn ra hàng chục cây duối cổ cùng con sông Tích như con sông trong cổ tích vắt dải lụa mềm huyền ảo giữa cánh đồng lúa đang thì con gái.

2. May mắn cho tôi khi kỷ niệm đẹp nhất tuổi thơ lại gắn với một làng quê có thể nói là cổ xưa nhất, đẹp nhất nước Việt. 

Cứ mỗi lần trở về đây, khi thì mùa gặt, rơm phơi khắp đường làng, bờ giậu, khi thì mùa cấy, gió đông rin rít hút bờ tre, khi thì chập choạng hoàng hôn, đình làng í a thôn nữ nào hát, khi thì oi nồng trưa, chùa Mía ngân nga tiếng chuông, bà già bán nước chè xanh răng đen miệng trầu ở kề đình Mông Phụ lấy tay quạt quạt chiếc quạt nan, cất cái giọng đặc sệt Việt cổ khoe với láng giềng thằng cháu của bà vừa trúng “hai quần” (hải quân). Bà kia cười bảo: “Thằng cháu tôi lại đi “không quần” (không quân)”…

Vâng, tôi đã nhìn ngắm biết bao lần rồi cái không gian đình Mông Phụ ấy. “Đẹp đến nhức… tim” như ai đó từng thốt lên. Khi thăm Bảo tàng Khoa học xã hội ở Paris, tôi không khỏi tự hào khi thấy mô hình đình Mông Phụ - là mô hình kiến trúc văn hóa cổ xưa tiêu biểu nhất không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của cả châu Á được tôn vinh.



Một lần về Mông Phụ, chuyện trò với Hà Nguyên Huyến, người đang sở hữu ngôi nhà cổ xưa nhất ở đây, một người từ khuôn mặt, lông mày, ánh mắt, ngón chân, giọng nói, thổ ngữ… là hạt giống chính hiệu của xứ Đoài này. 

Huyến kể tôi nghe cách người Việt cổ hái cau, phơi cau, ăn trầu cau. Huyến kể tôi nghe mỗi lu tương đều có câu chuyện của nó. Rồi Huyến rê chân cào phơi đỗ tương, trong lúc cô vợ có cái tên rất Việt cổ là “Vượt” thì xoay tấm lưng ong xay tương bởi cái cối xay đất nện.

Tôi hỏi Huyến: “Sống trong một không gian tuyệt vời thế này, tại sao nhiều trai làng, gái làng lại bỏ làng lên phố? Tại sao những ngôi nhà cổ xưa, những bức tường, cổng làng bằng đá tổ ong đẹp đến kỳ ảo làm say mê du khách phương xa, các chủ nhân của nó lại muốn đập đi, thay bằng những khối bê tông ngạo nghễ? Tại sao nghề làm tương, nghề trồng cau, trồng lúa ở xứ sở này lại ngày một tàn lụi? Không ai muốn nữa đoái hoài!”.

Huyến đã rơm rớm giọt nước mắt rồi nói: “Người làng cổ không sống được ở làng cổ. Du khách ư? Người ta tới, nhìn, ngó, ngợi khen, lưu lại những tấm hình kỷ niệm, rồi lên xe đi mất. Người làng cổ chẳng được hưởng lợi lộc gì từ chính cái làng cổ phải giữ rất nghiêm ngặt như giữ Di sản nhân loại này”.

Một Hội An đã từng hiu hắt như Đường Lâm. Nhưng Hội An ấy đã sống lại là chính nó khi người dân Hội An hưởng lợi từ chính nó nhờ phát triển du lịch. Vậy tại sao không phát triển du lịch ở Đường Lâm?


3. Thật ra đã có nhiều người, nhiều tổ chức du lịch, văn hóa trong nước và quốc tế đã nghĩ đến việc cứu sống Đường Lâm, bảo vệ Đường Lâm bằng phát triển du lịch ở Đường Lâm.

Nhưng, tất cả các dự án ấy đều chưa thành công, đều mới chỉ mon men vào đời sống của vài ba ngôi nhà cổ, mà chưa hề vào đời sống cả cộng đồng. Nhà nước thì chỉ tự an ủi mình rằng đã ban bố những quy chế nghiêm ngặt, rằng, người dân ở làng cổ không được tự ý dỡ nhà, sửa nhà, làm hỏng kiến trúc, làm hỏng không gian văn hóa làng cổ. Chỉ con dấu đỏ và mệnh lệnh hành chính. Hết! Tại sao lại như vậy?
Rõ ràng có cái gì đó đang trục trặc ở đây. Và, qua tìm hiểu, qua nhiều lần thoi đưa đi về, tôi nhận ra rằng: Chẳng qua chúng ta chưa thực sự hiểu hết những giá trị khác biệt vô cùng to lớn của làng cổ Đường Lâm mà thôi. 
Vậy thì những giá trị gọi là “khác biệt” vô cùng to lớn ấy và cũng có thể nói là độc nhất vô nhị ấy của làng cổ Đường Lâm đối với 86 triệu người Việt, sống ở Việt, đối với hơn 3 triệu người Việt sống ở ngoài Việt, luôn đau đáu hướng về Việt cùng hàng trăm triệu du khách luôn thường trực niềm đam mê tìm hiểu những giá trị khác biệt của những vùng đất khác biệt là gì?


Ở đây tôi xin chỉ gạch đầu dòng những giá trị khác biệt nhất mà tôi nhận biết, tôi lần mò phát hiện như những gợi ý cho các nhà chuyên môn, các tổ chức chuyên môn tìm hiểu, nghiên cứu, đúc kết khoa học:

- Giá trị kiến trúc Việt cổ nhất Việt Nam với vật liệu đá tổ ong cùng nghề thủ công tạo vật liệu đá tổ ong độc đáo nhất thế giới.
- Không gian văn hóa cổ xưa nhất Việt Nam thông qua lối sống, phong tục tập quán, giọng nói.
- Nơi phát sinh Ngô Quyền – con người đặc biệt nhất của lịch sử Việt Nam. Chính Ngô Quyền là người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử từ xưa đến nay của dân tộc Việt với tư cách là một thành viên cực Nam của Bách Việt, khi ông là người đánh dấu chấm hết cho 1000 năm Bắc thuộc, bảo vệ vững chắc và kế thừa hoàn hảo nhất cái hồn vía Việt còn lại duy nhất của cả cộng đồng Bách Việt, của cả nền văn minh vĩ đại Bách Việt cho đến tận ngày hôm nay. Nói cách khác, Ngô Quyền là người có công giữ được phần còn lại cuối cùng của Bách Việt, để hôm nay người Việt chúng ta có thể tự hào là người nối dòng giống, người kế thừa duy nhất chính thống của cả nền văn minh Bách Việt vĩ đại xa xưa.

Sự thật này sẽ càng có ý nghĩa sâu sắc khi soi rọi những vấn đề mang tính văn hóa và địa chính trị toàn cầu hôm nay. Làm cho thế hệ hôm nay, thế hệ mai sau, không chỉ người Việt mà cả những ai là con cháu của Bách Việt đã bị nhổ gốc, mà cả những ai đang quan tâm tới những biến cố lớn, những chuyển dịch không gian chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, quyền lực của thế giới hôm nay và thế giới tương lai, hiểu được, đánh giá đúng câu chuyện lịch sử liên quan đến Ngô Quyền, thì Đường Lâm, quê hương ông, nơi ông khởi nghĩa lập vương, nơi ông bàn mưu tính kế, tạo nên chiến thắng quân sự vĩ đại trên sông Bạch Đằng, nơi ông yên nghỉ ngàn năm, sẽ là điểm đến có thể hấp dẫn nhất ở khía cạnh du lịch lịch sử.

- Đường Lâm là cái nôi của những lối sống Việt cổ nhất. Soi rọi lối sống ấy vào những khủng hoảng mà cả thế giới hiện đại đang gặp phải thì lại là ánh sáng của con đường dẫn đến lối thoát khủng hoảng. Điều này hấp dẫn du khách bởi sự khám phá bất ngờ mang tính nhân văn sâu sắc nhưng lại vô cùng dung dị.

Đường Lâm nổi tiếng với ẩm thực tương, vừa là nghề truyền thống vừa là ẩm thực văn hóa cho du khách trải nghiệm 

Lối sống ấy thể hiện rất rõ nét qua ẩm thực ở đây với truyền thống làm tương, ăn tương. Chúng ta không khó để biết về những giá trị dinh dưỡng của tương đối với sự phát triển hướng về sinh thái, hướng đến sự hài hòa, hướng đến sự bền vững, các giá trị cốt lõi nhất mà nhân loại đang theo đuổi. 

Văn hóa tương – thực vật, khác hoàn toàn với văn hóa nước mắm, hoặc các loại lên men động vật khác. Nghề làm tương, công nghệ ủ men, cùng với các giá trị sinh học của tương đã tạo nên một loại gia vị, có thể nói là độc đáo nhất, hữu ích nhất, bổ dưỡng nhất cho con người. 

Tương – với tư cách một loại nước chấm góp phần làm thăng hoa các giá trị thực phẩm khác khi “đụng chạm”, “hòa hợp” với nó. Nếu chúng ta nhận biết hết giá trị đặc biệt, khác biệt của hương, của vị, của màu sắc của tương, tạo nên một thương hiệu nước chấm hàng đầu thế giới, có mặt trong từng bữa ăn của hàng tỷ người thì cái nôi của Tương Việt – Làng cổ Đường Lâm sẽ là nơi thu hút lớn với những ai yêu mến, đam mê tương và muốn trải nghiệm cùng nghề làm tương.

Nhấn qua một số giá trị khác biệt mang tính nhân văn toàn cầu, chúng ta có thể thấy được những gì chúng ta muốn làm cho du lịch Đường Lâm còn quá ít ỏi. Và, câu chuyện chỉ còn lại ở chỗ: Chỉ có phát triển những giá trị khác biệt vừa nêu, Đường Lâm sẽ thực sự thu hút du khách đến để thưởng lãm, trải nghiệm, khám phá chứ không phải chỉ lướt qua các bề ngoài kiến trúc, chụp vài kiểu ảnh rồi… đi.

Một khi du khách muốn dừng chân lâu, muốn được cùng ăn, ở, ngủ trong không gian đặc biệt đối với cuộc đời của họ kia, thì nguồn lợi thu được của người dân làng cổ sẽ là không nhỏ. Chính những nguồn lợi đó và chỉ nguồn lợi đó cùng với các nguồn lợi cộng thêm từ hoạt động văn hóa, nghề thủ công, nghề làm nông v.v… mới có thể giúp cho họ, con cháu họ biết yêu, biết gìn giữ, bảo vệ, phát huy các giá trị của mình. 

Câu chuyện Đường Lâm, thực sự, đâu chỉ là câu chuyện của Đường Lâm… mà nó còn là câu chuyện tầm nhìn về các giá trị của dân tộc.
Không biết giá trị của mình, sẽ không thể mạnh!

Muốn níu chân du khách phải có không gian ăn, không gian ở

Nhưng thực sự vấn đề Đường Lâm gặp phải mà khó vượt qua hình như lại là do sự máy móc trong việc bảo tồn không gian kiến trúc quá nghiêm ngặt dẫn đến quá nguyên tắc cứng nhắc. Chúng ta quên quy luật, văn hóa chỉ có sức sống khi nó làm giàu có lên đời sống tinh thần và vật chất của chủ thể của nó, nó là mạch thở tiếp nối không ngừng của hiện tại.

Bài toán phải giải ở đây là không gian ở thích hợp cho chủ nhân và cho du khách. Nếu không còn không gian ở cho chủ nhân, chủ nhân sẽ tìm cách phá không gian kiến trúc cổ. Nếu không có không gian lưu lại cho du khách thì lợi nhuận du lịch không có, dẫn đến cơ cấu nghề truyền thống bị mai một, hồn nghề, hồn đất, hồn người theo đó mà rụng rơi.

Vậy thì muốn cứu kiến trúc cổ và không gian văn hóa cổ của Đường Lâm việc đầu tiên là các kiến trúc sư tài năng phải vào việc. Sẽ chẳng khó gì nếu Nhà nước tổ chức một cuộc thi “Kiến trúc cứu… kiến trúc”, chắc chắn sẽ xuất hiện những giải pháp tuyệt vời và sáng tạo cho một tổng thể Đường Lâm mà vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa của Đường Lâm.
Nguồn: motthegioi.vn

Nhận xét0

☺ Các bạn có thể viết lời bình của mình cho bài viết, và tuân thủ một số quy tắc sau:
» Các bài comment phải nghiêm túc, không dung tục, không spam.
» Nội dung phải liên quan tới chủ đề bài viết.
» Hãy để lại tên của bạn khi bạn post bài comment, để VNewsTravel có thể dễ dàng trả lời comment của bạn khi cần.

Type above and press Enter to search.